Lục Ngạn mùa vải chín không chỉ quyến rũ bởi vị ngọt thơm của loại trái cây đặc sản mà còn bởi bức tranh làng quê bình dị được bao phủ bởi màu đỏ rực rỡ. Vẻ đẹp của vải thiều Lục Ngạn đã đi vào trong thơ ca, bài hát.
Những bài thơ về mùa vải chín
Vải thiều
Ai nhân ra giống vải thiều
vòm xanh lấp ló bao nhiêu má hồng
Ai làm ra lúng liếng sông
để đưa tu hú sổ chồng sang ngang
Ai sinh ra thói tình tang
để ai hoá gió lang thang quên nhà
Một mùa vải chín đi qua
nghe tu hú động lòng ta bốn mùa
(Hà Nội, mùa vải năm 1992)
Nguồn: Nguyễn Duy, Về, NXB Hội nhà văn, 1994
Về Lục Ngạn
Nắng tưới, mưa tuôn, gió ngập tràn
Thân em ngọt lịm, trắng, tinh, thơm
Hồng hồng một hạt nhân tươi thắm,
Lấp lánh ngàn vân áo đỏ vàng.
Nức tiếng Nhà Đường qua đón rước
Xôn xao Nước Mỹ đến tìm sang
Ai về Lục Ngạn cho ta gửi
Một khúc tình thơ viết tặng nàng
(Tác giả: TS. Phạm Đức Quang)
Lục Ngạn quê em
Quê em Lục Ngạn Bắc Giang
Vải thiều chín đỏ miên man núi rừng
Khắp nơi nhộn nhịp tưng bừng
Đón mùa vải chín lòng mừng khôn nguôi.
Thượng nguồn hạ dòng về xuôi
Bắc Giang Lục Ngạn quê em mặn mà
Xưa kia có cả rừng trà
Móc Câu đặc biệt đậm đà Bắc Giang.
Trải bao thử thách gian nan
Bây giờ thay đổi mấy ai nào ngờ
Trở về quê cũ bên bờ sông thương
Người đi kẻ ở vấn vương.
Bắc Giang Lục Ngạn tình thương ngút ngàn
Núi đồi chạy tít trời xanh
Vải thiều chín đỏ xung quanh đất trời
Tha phương cơ cực rã rời.
Trở về quê cũ trọn đời cố hương
Xa xăm ngoài ải biên cương.
Nhìn về quê mẹ nhớ thương ân tình
“Sầu Đâu” vò võ một mình
Giữa rừng vải chín vạn nghìn nhớ thương.
Diệp Quốc Mẫn
Mùa vải chín
“Bỗng tiếng chim tu hú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà”*
Giọng bùa tu hú thả đồng
Ngẩn ngơ vườn vải má hồng sớm nay
Bầy ong lạc cả vùng bay
Nắng vàng phết ngõ, cỏ say lịm mùa.
Đừng em xuống tóc tu chùa
Kẻo cây vải ngọt thành chua mất rồi
Tình ta như miếng trầu hôi
Mà cau chẳng đượm, mà vôi chẳng nồng.
Đò ngang nón lá sang sông
Nhọc nhằn vải chín gánh gồng chợ phiên
Bán đi bao nỗi ưu phiền
Mua về một mảnh trăng nghiêng góc trời.
Lời ru cánh võng à ơi
Chuồn kim khâu áo mồng tơi giậu nhà
Vải thơm từ độ đơm hoa
Lớn khôn từ những năm xa tháng gần.
Nửa đời đói lả bàn chân
Mồ hôi thành thị, bụi trần tha hương
Bạc nhàu gương mặt gió sương
Mẹ già gốc vải cuối đường đợi con.
Miền đồi quả thắm môi son
Nghe trong xanh thẳm vương hồn Anh Thơ
Sông Thương mái tóc buông hờ
Xoã vào mùa vải đôi bờ Lạng Giang…
*(Tiếng chim tu hú – Anh Thơ)
Hoàng Anh Tuấn
Mùa vải chín đi vào trong thơ ca
Có nhiều bài thơ về mùa vải chín bởi lẽ nếu được đặt chân tới Lục Ngạn trong mùa vải chín thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào kiềm lòng được trước vẻ đẹp thổn thức của bức tranh thiên nhiên nơi đây.
Mùa vải chín Lục Ngạn bắt đầu vào tầm đầu tháng 6 dương lịch. Khi tới nơi đây, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh độc nhất vô nhị với từng đoàn xe chở vải chín đỏ, chật kín khắp các nẻo đường, ngõ phố.
Là miền trung du, địa hình Lục Ngạn đa phần là đồi núi. Đứng ở bất cứ đâu Lục Ngạn vào thời gian này bạn đều sẽ thấy không gian mênh mông, bát ngát của những đồi vải chín mọng.
Khung cảnh vùng rừng núi Lục Ngạn thanh bình vào mùa vải chín có một diện mạo mới vô cùng ấn tượng. Vải có mặt ở khắp mọi nơi. Vải phủ trùm trên những nóc nhà, trong những thửa vườn rộng hàng mẫu, lòa xòa qua những bờ tường gạch cũ hay trùm lên những cánh cổng nhà.
Màu đỏ tươi của vải nổi bật trên nền xanh ngắt của những vòm cây tạo nên một bức tranh bình yên, đậm chất thơ. Khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ này bạn chỉ có thể thấy duy nhất một mùa trong năm mà thôi.
Tháng 6 nắng rải vàng rực lên những đồi vải đang dậy mùa vải chín. Không biết tại nắng hay tại gió mà khắp không gian mênh mông đều lan tỏa một mùi hương đặc trưng của vải, hương thơm ngọt lim quyện trong cái ngai ngái của rừng của đất.
Vì vẻ đẹp rực rỡ này mà mùa vải chín Lục Ngạn chính là mùa đặc biệt nhất trong năm ở đây. Nếu đã đọc những bài thơ về mùa vải chín, về vải thiều Lục Ngạn và ấn tượng với loại trái gây thương nhớ này, nhất định bạn hãy thử một lần trải nghiệm tới Lục Ngạn vào mùa vải chín để cảm nhận được hết vẻ đẹp tới thổn thức này nhé!
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết