Đi dọc tuyến đường dài hàng chục km đi vào thủ phủ huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), không khó để chúng ta bắt gặp những vườn vải trải dài chín mọng, đỏ đường. Đây là thời điểm chính vụ mà các cơ sở hối hả tập trung nhân lực thu mua.
Vải thiều Lục Ngạn đang được tiêu thụ thuận lợi
Gần chục ngày qua, lứa vải chín sớm ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu cho thu hoạch. Hàng ngàn lao động đang hối hả, miệt mài cho mùa thu hoạch chính vụ. Các cơ sở thu mua vải mọc lên khắp nơi trên địa bàn huyện.
Theo Bí thư huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Việt Oanh cho biết, hiện đã có hơn 20 điểm thu mua hoạt động. Số lượng các điểm thu mua này sẽ tăng theo thời gian quả vải chín. Toàn bộ các điểm thu mua vải được kiểm định nghiêm ngặt trước diễn biến dịch bệnh covid 19 đang diễn ra. Số lượng các điểm thu mua đăng ký xét nghiệm Covid 19 trên địa bàn huyện với con số hơn 200 điểm, thu hút khoảng 4.500 nhân công.
So với năm ngoái thì năm nay vải thiều Lục Ngạn được mùa hơn, ông Oanh kỳ vọng, trong thời điểm chính vụ này mức giá sẽ lên trên 30 ngàn đồng/kg. “Vùng vải nghìn tỷ” này có khả năng sẽ vượt xa con số 7.000 tỷ của năm trước.
Riêng trong ngày 1/6/2021, sản lượng tiêu thụ vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là 1.823 tấn. Lũy kế, đến nay tổng sản lượng vải thiều của huyện đã tiêu thụ là 8.904 tấn.
Trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 5.808 tấn, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lào Cai,… Lượng vải xuất khẩu đạt 3.096 tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai 2.747 tấn, sang Campuchia 349 tấn.
Cũng trong ngày 1/6/2021, trên địa bàn huyện có thêm 15 điểm cân vải cố định, nâng tổng số điểm cân trên địa bàn lên 117 điểm cân vải. Tập trung cao nhất tại các xã Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền.
Đặc biệt, tại 6 xã: Tân Mộc, Phì Điền, Giáp Sơn, Hồng Giang, Quý Sơn, Phượng Sơn được chính quyền huyện Lục Ngạn cấp 20 Giấy chứng nhận lô vải an toàn dịch bệnh Covid 19 với sản lượng 201,5 tấn.
Đẩy mạnh thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 , UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Theo đó, huyện Lục Ngạn chuẩn bị các địa điểm như: Trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất vải thiều tiêu biểu… để đón tiếp các thương nhân, doanh nghiệp, các đoàn khách trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều, du lịch miệt vườn mùa quả chín của huyện Lục Ngạn. Liên kết, xây dựng các tour đưa đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm du lịch mùa vải chín.
UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền Nhân dân xây lò sấy vải với quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình. UBND huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/lò sấy mới có công suất từ 5 tấn vải tươi/lượt sấy trở lên.
Đối với tiêu thụ vải thiều tươi, tại tất cả các điểm thu mua vải thiều trước khi đóng thùng đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ được phun khử trùng, chống dịch bằng dung dịch CloraminB trên sản phẩm và các phụ trợ đóng gói, bảo quản. Trên các thùng vải sẽ có tem dán “Vải thiều đã được kiểm dịch”.
Bên cạnh đó, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo để nắm bắt các thông tin, xử lý các tình huống và vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thông qua hình thức bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, các tổ chức chính trị – xã hội cùng chung tay kêu gọi tiêu thụ sản phẩm vải thiều. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân người ngoài vùng dịch vào địa phương tiếp tục nghiên cứu thị trường, thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, phải khai báo y tế và đảm bảo các yêu cầu theo quy định về phòng, chống dịch, thường xuyên cử cán bộ y tế theo dõi sức khỏe.
Đồng thời, đề nghị các hệ thống ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền, bảo đảm các dịch vụ giao dịch tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong vụ thu hoạch vải thiều diễn ra liên tục, nhanh chóng. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gom hàng, tăng giá các mặt hàng phụ trợ như: đá cây, thùng xốp, vận tải… Cung cấp điện, thông tin liên lạc ổn định cho các cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp, thùng xốp, không để xảy ra tình trạng mất điện.
Cùng đó, chủ động nắm bắt các thông tin dư luận xã hội và thông tin thị trường, xử lý các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Đặc biệt, xây dựng phương án cụ thể về vấn đề vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. Thành lập các đội xe tình nguyện vận chuyển vải thiều.
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết