Với hương vị ngọt ngào, chất lượng tốt, sau năm đầu thăm dò thị trường thì năm 2021, vải thiều Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đua nhau nhập hàng.
Vải thiều Việt Nam được nhập khẩu vào Nhật Bản với số lượng lớn
Ngày 17/6, gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà Hải Dương đã được một đối tác nhập khẩu tiềm năng ở Nhật chuyển tới 150 đầu mối bán lẻ trên khắp nước Nhật.
Cùng với vải thiều Thanh Hà thì vải thiểu Lục Ngạn Bắc Giang cũng rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản với số lượng nhập khẩu lớn.
Theo thông tin được tổng hợp từ các đầu mối xuất khẩu của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thì dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ngoài việc được bày bán tại các chuỗi siêu thị của Nhật thì năm nay cũng có nhiều doanh nghiệp/cửa hàng do người Việt làm chủ đã đứng ra nhập khẩu vải thiểu và bán trực tiếp hoặc online để phục vụ cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản.
Hành trình chinh phục thị trường khó tính của vải thiểu Việt Nam
Phải mất hơn 5 năm trao đổi đàm phán và thực hiện nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn khắt khe từ lựa chọn giống vải, đăng ký vùng trồng, chăm bón, diệt sâu bệnh, thu hoạch, tìm đối tác xuất khẩu, đàm phán giá cả thì quả vải thiều Việt Nam mới có thể thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản vào năm 2020.
Thị trường Nhật Bản nổi tiếng là khó tính nên muốn chinh phục thành công người tiêu dùng Nhật và giữ được thị trường lâu dài, bền vững thì vải thiều Việt Nam phải đảm bảo sự tươi ngon, chất lượng.
Từ trước tới nay, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu quả vải tươi từ Đài Loan, Trung Quốc. Năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nhưng đã chiếm thị phần khoảng 10%, xếp vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Đài Loan.
Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá vải thiều Việt Nam có chất lượng ngon nhất trong số các loại vải được nhập khẩu vào nước này. Vì thế dù giá vải thiều Việt Nam ở Nhật Bản tương đối cao, lên tới 500 nghìn/kg, thậm chí 1 triệu đồng cho 12 quả vải được đóng hộp như tổ yến nhưng người dân nơi đây vẫn sẵn sàng mua. Điều này cho thấy bước đầu vải thiều Việt Nam đã thành công trong việc tạo dấu ấn tại thị trường khó tính Nhật Bản.
Nguồn: vietnamnet.vn
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết