Lật lại sử sách, xem lại chiến công trên ải Nội Bàng, Lục Ngạn

ải Nội Bàng

Khu dích tích đình, chùa ải Nội Bàng được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử – Văn hoá năm 2000. Nơi đây nằm trong chiến tuyến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Chiến ải Sa Lý-Nội Bàng đã góp phần vào chiến công oanh liệt của các đạo quân của Trần Quốc Tuấn, trực tiếp do tướng quân Vi Hùng Thắng người địa phương chỉ huy; được nhân dân tôn tạo và thờ phụng.

Khu di tích ải Nội Bàng

Khu di tích ải Nội Bàng gồm đình, đền, chùa nằm lọt thỏm trong rừng vải thiều xanh ngắt. Đình được xây dựng ở đầu thế kỷ XIII. Do chiến tranh và thời gian, đình Nội Bàng xưa cũng như chùa, đền đã đổ nát.

ải Nội Bàng

Nơi đây mới được trùng tu khang trang nhưng không giữ được nét nguyên gốc như xưa. Cổng đình được đắp nổi hai câu đối: Bác ái vị tha vạn cổ tồn/ Từ bi nhân nghĩa thiên thu tại (dịch: Bác ái vị tha tồn tại mãi mãi/ Từ bi nhân nghĩa ngàn thu không mất). Đình thờ Cao Sơn, Quý Minh là những tướng tài giỏi thời Hùng Vương đã có công đánh giặc xâm lược.

Đình được phục dựng năm 2010. Sau đình là chùa, chếch bên đình là đền. Thời chống Pháp, đình Nội Bàng là nơi chữa chạy cho thương binh, địa điểm hội họp, tập kết của bộ đội, du kích. Đình và chùa Nội Bàng đều được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Lật lại sử sách, xem lại chiến công trên ải Nội Bàng

Trong cuộc chiến tranh với quân Mông Nguyên, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đặt đại bản doanh tại Nội Bàng.

Sử sách đã ghi, từ phía Bắc, giặc Nguyên chia làm hai mũi đánh vào nước ta. Một đạo quân từ Nam Quan tiến qua lưu vực sông Thương vượt vùng Kinh Bắc. Đạo quân thứ hai do Thoát Hoan – con Hoàng đế Hốt Tất Liệt – chỉ huy qua Lộc Bình (Lạng Sơn), Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang) để về Lục Đầu Giang hợp cùng thủy quân từ biển tiến vào.

Biết được ý định của địch, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã xây dựng phòng tuyến Lạng Sơn và Xa Lý – Nội Bàng (Lục Ngạn). Đích thân Hưng Đạo Vương trực tiếp chỉ huy.

ải Nội Bàng

Ngày 2-2-1285 quân dân ta đã chiến đấu rất dũng cảm. Trước lực lượng quá mạnh của địch, Trần Quốc Tuấn cho quân vượt núi trở lại Vạn Kiếp.

Đầu tháng 2-1288, 5 nghìn giặc Nguyên hộ tống bọn phản quốc đưa trở về Trung Quốc. Bọn giặc đã sa lưới và bị đánh tan tác. Lê Trắc dẫn 60 kỵ binh còn sống sót cố áp tải bọn Việt gian chạy trốn qua Lộc Bình.

Tháng 4 năm đó, đội quân Nguyên trên đường rút chạy về nước lại lọt vào trận địa phục kích tại Nội Bàng đã bị thiệt hại nặng nề. Giặc cố sức chống cự, liều chết mở đường máu cho đội quân Thoát Hoan thoát khỏi. Một cây cầu nhỏ bé ở giữa thôn đã được người dân hồi đó đặt tên là cầu Hôi vì xác giặc nằm ngổn ngang từng đống dù đã được lấp vẫn có mùi hôi thối từ xa. Ngày nay, tên cầu vẫn được giữ.

Lễ hội Đình Nội Bàng tại Lục Ngạn

Hằng năm, cứ tới ngày 16 tháng 2 (âm lịch), nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của các danh thần, trong đó có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

ải Nội Bàng

Lễ hội Đình Nội Bàng tại Lục Ngạn hàng năm được tổ chức với các nghi lễ long trọng và nhiều hoạt động văn hoá- thể thao, các trò chơi dân gian: bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt đập niêu, kéo co…và giao lưu văn nghệ, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, phát huy tinh thần thượng võ của nhân dân các dân tộc Lục Ngạn trong bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lục Ngạn vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Con cháu Lục Ngạn đời sau vẫn đang nối tiếp thế hệ cha ông đi trước để xây dựng cho quê hương ngày một tươi đẹp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *