• Trang chủ
  • NEW
  • Khu chợ kéo dài 20km, thương lái trao tay nghìn tỷ qua mẩu giấy nhỏ

Khu chợ kéo dài 20km, thương lái trao tay nghìn tỷ qua mẩu giấy nhỏ

430 lượt xem NEW

Khu chợ độc nhất tại Việt Nam kéo dài tới hơn 20km, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần chính là  chợ vải thiều Lục Ngạn. Đặc biệt, nhờ những mẩu giấy nhỏ trao đổi với dân buôn mà người trồng vải thu được cả nghìn tỷ. 

“Đã mắt” với khu chợ đỏ au kéo dài 20km

Thời điểm thu vải chính vụ đã dần đến, những ngày này khi về Lục Ngạn (Bắc Giang), mọi người không khó để bắt gặp hình ảnh người dân chở những sọt vải thiều đỏ au, căng mọng, nặng hàng tạ cứ thế nối đuôi nhau trên quốc lộ 31. Đây là trục đường chính chạy vào “vựa” vải thiều lớn nhất cả nước thuộc địa bàn xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) luôn tập trung đông đúc, tấp nập cảnh mua bán từ phố Kim (Phượng Sơn) cho đến xã Hồng Giang. Đây chính là khu chợ độc nhất Việt Nam kéo dài hơn 20km, hai bên đường toàn người bán và thương lái mua vải. Năm nay, vải thiều Bắc Giang được mùa, dự kiến sản lượng vải thiều Bắc Giang có thể đạt được khoảng 130.000 tấn.

Người dân Bắc Giang xếp hàng chờ cân vải
Người dân Bắc Giang xếp hàng chờ cân vải

Dọc hai bên đường, hàng trăm điểm cân đang hoạt động hết công suất. Người cân vải, người tính tiền, người đứng chuyển vải từ sọt ra,… Ai nấy đều tất bật, luôn chân luôn tay. Trong khi xe chở vải của nông dân xếp hàng dài chờ cân theo thứ tự.

Từ khi bắt đầu vào vụ thu hoạch vải cách đây khoảng 1 tuần, các tuyến đường luôn xảy ra cảnh ùn tắc do phương tiện từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đổ về đây mua vải thiều. Vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô xếp hàng dài và di chuyển khá khó khăn. Người dân nơi đây còn nói cảnh tắc đường mùa thu hoạch vải chính là đặc sản của vùng Lục Ngạn này.

Ông Giáp Văn Thành, một nhà vườn trồng vải thiều ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), chia sẻ: “Thời điểm thu hoạch chính vụ, khu chợ vải này kéo dài tới hơn 20km. Những sọt vải thiều của người dân chở đi bán nhuộm đỏ con đường dài”.

Gia đình ông Thành trồng vải thiều được mấy chục năm rồi, vì gần chợ vải nên ông bán trực tiếp tại chợ thay vì thương lái đến tận vườn. “Hơn 60 tuổi rồi nhưng năm nào tôi cũng tự chở vải đi bán. Chợ họp từ 6hsáng đến 11h trưa nên mỗi ngày tôi chở được 3-4 chuyến, mỗi chuyến 1 sọt vải nặng 1,5-1,8 tạ”, ông khoe. Thời kỳ đầu, ông chở vải bằng bu gà, giờ thì chở bằng sọt sắt có bánh xe đẩy 4 góc. Do đó, việc vận chuyển khuân vác cũng thuận tiện hơn. 

Chia sẻ về nguồn gốc của chợ vải, ông Tăng Văn Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho hay, chợ vải thiều Lục Ngạn đã tồn tại hơn 2 thập kỷ. Tuy vải thiều được trồng trên đất Lục Ngạn từ năm 1953, nhưng phải đến năm 1998 vải mới chở thành loại quả hàng hoá. Chợ vải thiều Lục Ngạn được hình thành từ ngày đó.

Theo ông Huy, nói là chợ cũng đúng và gọi là con đường vải cũng không sai. Chợ vải chạy dọc theo quốc lộ 31, bắt đầu từ phố Kim (Phương Sơn) đến xã Hồng Giang. Đây là nơi trao đổi, mua bán vải thiều đông đúc nhất. Còn con đường vải kéo dài từ đầu huyện đến cuối huyện, xuyên suốt 29 xã thì dài tới trên 40km.

Mỗi năm chợ vải thu hút hàng ngàn thương nhân trong và ngoài nước về cân mua để xuất khẩu và tiêu thụ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chợ diễn ra sôi động từ đầu mùa vải cho đến khi kết thúc.

Thương lái trao tay nghìn tỷ qua mẩu giấy nhỏ

Chợ vải đông đúc nhất khoảng 5-6h sáng, các xe chở vải ùn ùn kéo nhau về Quốc lộ 31. Thấy những xe vải xuất hiện, dân buôn lập tức kéo đến trao đổi vài ba câu. Nhận được cái gật đầu, họ lập tức rút ngay mẩu giấy nhỏ bằng 2 ngón tay ghi nhanh một con số rồi đưa cho người chở vải. Cuộc giao dịch thành công.

Cầm trên tay mẩu giấy chỉ ghi số 25, anh Hoàng Văn Giáp ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) khoe: “Đây là mức giá thoả thuận mua bán. Tôi cầm mẩu giấy nhỏ này vào đúng điểm cân của họ, cân vải xong họ nhân thành tiền theo đúng mức giá ghi trên giấy rồi trả tiền tươi luôn”.

Anh Giáp cho biết, năm nay vải được mùa nên sản lượng vải nhà anh thu được ước tính đạt 15 tấn. Mỗi ngày anh chở khoảng 3-4 chuyến ra chợ bán. Như sọt vải anh đang chở ước cũng được 1,8 tạ, bán với giá 25.000 đồng/kg. Bán xong xe vải này, anh cũng đút túi khoảng 4,3 triệu đồng vì khi cân còn phải trừ hao. “Sáng nay vợ chồng tôi dậy sớm hái được 3 sọt đầy. Với giá như này thì cũng thu được khoảng 12 triệu đồng”, anh vui vẻ chia sẻ.

vải thiều Bắc Giang được mùa
Vải thiều Bắc Giang được mùa, mẫu mã đẹp

Giá vải thiều phụ thuộc vào chất lượng quả và từng thời điểm. Nếu vào buổi sáng chợ ít hàng giá vải sẽ được trả rất cao, đến tấm trưa hàng đổ về nhiều giá sẽ rẻ hơn và ngược lại

Tại các điểm cân vải ở khu chợ này, trên tay người nông dân chở vải ai cũng có mẩu giấy nhỏ. Nhưng mỗi con số trên đó lại khác nhau. Có người là số 12 (tức 12.000 đồng/kg), có người trên giấy ghi con số 18 (18.000 đồng/kg), có người được ghi con số 20, 25,… tuỳ vào loại vải thiều và chất lượng vải.

Anh Nguyễn Văn Sơn – chủ một điểm cân vải tại xã Phượng Sơn, cho hay, nay anh đánh hàng đi Lào Cai nên cần mua khoảng 12 tấn. Để gom mua đủ, ngoài 2 người đứng cân, 2 người chuyên ngồi tính tiền, 6 người đứng chọn vải (lọc những quả xấu quả rụng trả lại) anh còn đội quân 7 người đi trả giá.

Đội quân này trên tay chỉ có tập giấy nhỏ cùng cái bút. Nông dân không cần giới thiệu về quả vải, người đứng ra trả giá cũng chỉ nói những con số. Đồng ý bán thì ghi mức giá vào giấy cho họ vào điểm chờ cân. Mỗi lần giao dịch như vậy chỉ mất khoảng 10-15 giây.

Mua bán vải thiểu Lục Ngạn
Việc mua bán ở chợ được thực hiện qua mẩu giấy nhỏ

“Giao dịch ở đây đều đơn giản qua mẩu giấy này. Nhưng mỗi năm, điểm cân của tôi cũng tiêu thụ gần ngàn tấn vải thiều chứ không ít”, anh nói.

Ông Tăng Văn Huy thừa nhận, chợ tồn tại hơn 2 thập kỷ nhưng vẫn là cách giao dịch trả giá qua mẩu giấy nhỏ như hiện nay. Dựa vào mức giá ghi trên mẩu giấy, người nông dân thu được từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng mỗi sọt vải. Tính chung cả mùa, nông dân thu đến cả nghìn tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *