• Trang chủ
  • NEW
  • Đồng hành, hỗ trợ tiêu thụ vải cùng Bắc Giang được đẩy mạnh

Đồng hành, hỗ trợ tiêu thụ vải cùng Bắc Giang được đẩy mạnh

854 lượt xem NEW

Dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Giang trong những ngày qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tiêu thụ nông sản tại địa phương này, nhất là trong thời điểm thu hoạch quả vải – nguồn nông sản chủ lực của tỉnh. 

Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với địa phương

Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để bàn về giải pháp sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng Bắc Giang tiêu thụ các nông sản tới vụ; đưa ra giải pháp đề phòng, chống dịch Covid -19 hiệu quả, đồng thời khôi phục sản xuất, bảo đảm không bị đứt, gãy chuỗi sản xuất…

Bộ công thương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang sáng 25/5

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không bị tác động Covid-19. Bắc Giang mong muốn Bộ Công thương ủng hộ tỉnh, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

“Bắc Giang hy vọng, Bộ Công thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore…”, ông Dương bày tỏ.

Về vấn đề này, thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định quan điểm của Bộ Công thương là tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân… đã, đang và sẽ luôn luôn là ưu tiên số một của bộ. Theo đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp bảo đảm nguồn cung lưu thông thông suốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và cung ứng nguyên liệu đầu và tiêu thụ các sản phẩm đầu ra.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo bộ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu.

Hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trong nước và quốc tế

Ngày 08/6/2021, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang đã diễn ra hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021 với 30 điểm điểm cầu trong nước và quốc tế. Trao đổi, thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu đều khẳng định vải thiều của Bắc Giang chất lượng cao, hương vị thơm ngon và cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều một cách rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Phương – Phó Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (đại diện Hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+) tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua là địa phương cung cấp nông sản nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn với doanh thu cao nhất, điển hình năm 2020 VinCommerce đã thu mua hơn 200 tấn vải thiều.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, Công ty VinCommerce cam kết chung tay với bà con nhân dân Bắc Giang, cùng với các Bộ, ban, ngành và địa phương sẽ đẩy nhanh việc thu mua, tăng cường sản lượng tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn tại hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.

Ông Trần Trung Hưng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) thay mặt các Sàn thương mại điện tử phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang cho biết: Ngay từ đầu mùa vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Công ty đã chung tay đồng hành cùng nông dân Bắc Giang ngay tại vườn, mở ra kênh phân phối trực tuyến. Nhân viên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart đã đào tạo cho bà con nông dân cách đăng sản phẩm lên chợ điện tử; sàn Sendo hỗ trợ livestream bán sản phẩm ngay tại vườn. Nhờ đó nông sản của bà con không bị phụ thuộc vào thương lái hay các doanh nghiệp trung gian. Bà con có thể chủ động về giá bán.

Tính đến ngày 06/6/2021, sau 10 ngày triển khai thực hiện, các sàn thương mại điện tử đã tiêu thụ được hơn 800 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa 739 hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến.

Vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử
Vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử

Theo ông Vũ Hồng Nam – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản tại điểm cầu TP. Tokyo, Nhật Bản, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn tại thị trường Nhật Bản trong lần đầu tiên gia mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020. Quả vải thiều được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật đón nhận, dành lờn khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam.

Do năm 2020, là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên, chất lượng vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần.

Cùng với đó, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo, thành phố Osaka và nhiều địa phương của Nhật Bản. Tổ chức các sự kiện ăn thử vải tại các siêu thị – để giới thiệu trực tiếp quả vải đến người tiêu dùng Nhật Bản một cách rộng rãi hơn nữa. 

Đặc biệt, cần cân nhắc phương án đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải như: nước ép vải, vải khô, kem vải… tận dụng tối đa nguồn tài nguyên và góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải Việt Nam tại Nhật Bản.  

Theo như thông tin trao đổi với các công ty xuất khẩu Việt Nam và công ty nhập khẩu Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay. 

Bà Trần Kim Nga – Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh cho biết: Công ty đã triển khai chương trình tiêu thụ các hoạt động cụ thể: Khuyến mãi lớn từ ngày 1/6 đến ngày 16/6 với chủ đề “Hội chợ trái cây nhiệt đới” tại hệ thống các trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc. Trong suốt chương trình, mỗi trung tâm sẽ trưng bày 01 đảo lớn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại khu vực rau củ quả, trái cây. Tổ chức Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Trung tâm MM Mega Market An Phú. Đồng thời, sẽ quảng bá về Tuần lễ vải thiều Bắc Giang lên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo; các kênh khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể lớn và khách hàng tiêu dùng lẻ trên toàn quốc. Dự kiến lượng nông sản tiêu thụ cho Bắc Giang qua hệ thống của MM là từ 500 đến 700 tấn bao gồm vải cắt cành đóng hộp (trưng bày và tiêu thụ trên cả nước).

Trong bối cảnh dịch bệnh và tình trạng khó khăn trong giao thương, những trái vả thiều Lục Ngạn thơm ngon, ngọt lành vẫn được giao tận tay người tiêu dùng. Đó không chỉ là tâm huyết, là công sức của người nông dân gửi gắm đến từng trái ngọt mà còn là sự sẻ chia, yêu thương khi cả nước hướng về Bắc Giang. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *