Ai lên tới Cao Sơn Bạch Mã
Hỏi thăm đền chúa Nguyệt nơi nao?
Ghé hỏi thăm phố Kép đi vào
Ngã tư Bố Hạ có con đường vào mỏ than
Đền Chúa Nguyệt Hồ từ lâu đã là nơi tâm linh được nhân dân khắp nơi tìm đến. Cùng tìm hiểu sự tích, kiến trúc tại ngôi đền linh thiêng này nhé!
Sự tích Đền Chúa Nguyệt Hồ
Đền Nguyệt Hồ là một trong những di tích cổ của quê hương Bắc Giang, gắn liền với truyền thống lịch sử văn hiến. Ngôi đền nằm ở vùng đất thuộc thượng lưu dòng sông Thương.
Theo truyền thuyết và tài liệu xưa ghi chép lại, bà chúa Nguyệt Hồ là Chúa bói thời Hùng Vương. Bà là người rất tốt bụng, thảo hiền, có lòng nhân hậu, từ nhỏ đã sống trong cảnh cơ hàn. Bà được Lão Tổ Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh truyền dạy đạo pháp của mình và đặt tên hiệu cho bà là Nguyệt Hồ (hay Huyết Hồ). Sau khi đã học được phép của Tiên Sinh, bà không nhưng giúp cho dân lành mà còn là người xem lành dữ, bàn chuyện quân cơ với tướng, vua. Mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu bà xem lần ra quân này là lành hay dữ.
Kiến trúc Đền Chúa Nguyệt Hồ
Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khu đền chính gồm tòa đại bái và hậu cung, khu sân đền, hồ Nguyệt, kiến trúc theo lối cổ truyền thống.
Trong hậu cung đặt tượng chúa Nguyệt Hồ, tức Nguyệt Nga công chúa, Bà Chúa bản đền và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng Chầu, Đức Thánh Trần, ông Hoàng, các Cô, Cậu.
Hai cung ngoài tòa đại bái cũng bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu.
Hội đền Chúa Bói Nguyệt Hồ
Để tôn vinh và ghi nhớ công ơn của bà Chúa, hàng năm cứ đến ngày 15/2 âm lịch, người Bắc Giang lại tổ chức lễ hội tại đền. Lễ hội này không chỉ có du khách trong tỉnh mà người dân khắp nơi đều đến để dâng hương, xin được Chúa Nguyệt Hồ ban phước.
Trong ngày lễ chính, tức ngày 15/2 âm lịch, nhân dân vùng Bo lại rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Hoàn thành tế lễ tại đền Trung thì mới rước kiệu về đến đền Nguyệt Hồ. Tại đây, phần tế lễ thể hiện qua bài cúng hát chầu văn. Những người được chọn hát chầu văn trong phần lễ tế này thường được tuyển chọn kĩ. Họ phải là người hát hay, đàn giỏi và gia đình không có tang bụi.
Khi diễn xướng, mỗi thanh đồng, cung văn như một diễn viên thể hiện say sưa trong từng bản nhạc, điệu múa. Những câu chuyện huyền thoại của các nhân vật lịch sử trong mỗi giá hầu đồng lần lượt được “kể” nối tiếp nhau bằng màn diễn xướng nghệ thuật qua điệu bộ, cử chỉ của thanh đồng và lời ca của cung văn một cách đầy hưng phấn. Âm nhạc khi bổng, khi trầm đã khiến cho những ai chứng kiến buổi lễ đều thấy phấn chấn, vui tươi và chắc chắn dư âm ấy sẽ còn lắng đọng với nhiều người. “Tiếng lành đồn xa”, hằng năm đặc biệt vào mùa xuân có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các địa phương trong nước hành hương về đền Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an.
Trong nghi thức thờ Mẫu ở đền bà chúa Nguyệt Hồ còn có lệ hầu bóng được diễn ra trong các dịp đầu năm và trong ngày lễ hội. Khách về lễ Mẫu và hầu bóng chủ yếu là khách thập phương từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội….tụ hội về đây để được dâng văn hầu chúa Nguyệt Hồ.
Ghé thăm Đền Chúa Nguyệt Hồ, du khách không chỉ được trải nghiệm, thưởng thức những giá hát văn hầu đồng mà còn là dịp để tưởng nhớ đến công lao to lớn của chúa, nhắc nhở thế hệ trẻ cần có cái nhìn, tình cảm trân trọng cuộc sống có được như ngày hôm nay.
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết