Tổng hợp các cách làm vải sấy khô ngon, dễ thực hiện

Vị ngọt đậm đà, mùi thơm lại bảo quản và sử dụng được lâu nên vải thiều sấy khô là loại quả được rất nhiều người yêu thích. Đang mua vải thiều chín, hãy học cách làm vải thiều sấy khô tại nhà dưới đây để có được những túi vải khô thơm ngon, chất lượng, ăn được lâu nhé!

Cách làm vải thiều sấy khô

Chuẩn bị nguyên liệu làm vải thiều sấy khô

Nguyên liệu để làm vải thiều sấy khô là vải thiều tươi. Hiện tại đang là mùa vải thiều chín nên bạn có thể dễ dàng mua được loại trái cây này tại các cửa hàng hoa quả, chợ hay siêu thị.

Để vải sấy khô ngon thì chọn lựa vải thiều tươi có vai trò quan trọng. Khi mua bạn nên chú ý chọn mua những trái vải tươi, vừa chín tới có lớp vỏ màu hồng đỏ, quả tròn đều và gai nhẵn. Ưu tiện chọn mua những quả phần cánh và lá vẫn còn tươi.

Bạn không nên chọn mua những quả mà lớp vỏ có nhiều đốm đen vì những quả này có thể đã bị thối, hỏng hoặc chín quá. Những quả có mùi lạ hay mùi men chua cũng không nên mua.

Nếu được thì bạn hãy bóc quả vải để thử. Nếu vải có cùi dày, trắng, hạt nhỏ thì là vải ngon nên mua sẽ cho thành phẩm vải sấy khô ngon.

Cách làm vải sấy khô
Chọn mua vải thiều tươi, vỏ đỏ hồng để làm vải sấy khô

Hướng dẫn làm vải sấy khô – sơ chế vải

Vải thiều tươi sau khi mua về bạn cần cắt vải ra khỏi cuống. Lưu ý không nên cắt sát cuống mà hãy chừa lại khoảng 0,5cm. Sau khi cắt xong thì bạn đem vải đi rửa sạch, ngâm trong chậu nước muối pha loãng khoảng 20 phút rồi vớt ra, để cho ráo nước.

Tiếp theo bắc một nồi nước lên bếp, đợi nước sôi thì bạn cho vải vào luộc trong thời gian 2 – 3 phút. Sau đó thì vớt vải ra và để ráo nước. Lưu ý không nên luộc lâu vì sẽ khiến cho cùi vải bị nhũn.

Các cách làm vải sấy khô

Sau khi đã sơ chế vải xong, chờ vải ráo nước thì chúng ta có thể mang vải đi sấy khô. Có các cách để sấy vải khô tại nhà là: phơi nắng, sử dụng lò nướng, lò vi sóng, máy sấy hoa quả và nồi chiên không dầu.

Làm vải sấy khô bằng ánh sáng mặt trời

Đây là cách làm thủ công, dễ làm, không cần phải sử dụng các đồ gia dụng. Để làm vải sấy khô thì bạn xếp vải ra mặt phẳng như mâm, nia, khay rồi để vải ở nơi khô ráo, nhiều nắng.

Trong quá trình phơi bạn nên đảo đều thường xuyên để cho vải được khô đều. Phơi khoảng 10 ngày là vỏ sẽ khô, cùi vải chuyển sang màu nâu đậm. Lúc này bạn mang vải vào để nguội rồi bảo quản.

Cách làm vải sấy khô
Làm vải sấy khô bằng ánh sáng mặt trời

Sấy vải sử dụng lò nướng, lò vi sóng, máy sấy

Với những bạn sử dụng lò nướng hoặc lò vi sóng để sấy vải thì cần xếp vải ra khay rồi cài đặt nhiệt độ như sau:

Đặt nhiệt độ lò nước khoảng 140 độ C, thời gian sấy 20 phút. Khi hết thời gian mang vải ra đảo đều rồi lại cho vào lò. Lặp lại các bước cho tới khi vỏ khô, cùi vải chuyển sang màu nâu cánh gián.

Với những bạn sử dụng máy sấy hoa quả thì cần điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và thời gian sấy. Bạn đặt nhiệt độ sấy là 70 độ C, độ ẩm trong quá trình ban đầu là 50% rồi sau đó giảm xuống 25%. Thời gian sấy từ 4 – 6 tiếng. Trong quá trình sấy bạn nhớ đảo đều vải và kiểm tra chất lượng sản phẩm cho tới khi thấy vải khô, lắc có tiếng lọc cọc, cùi vải màu nâu đậm.

Sấy vải bằng nồi chiên không dầu

Đầu tiên bạn cần làm nóng nồi trước ở nhiệt độ 180 độ C với chế độ Pre-heat và nhấn bắt đầu/start. Khi lò nóng thì bạn xếp vải vào nồi chiên không dầu, sấy ở nhiệt độ 80 độ C trong 30 phút.

Khi hết thời gian thì bạn đảo đều vải rồi lại tiếp tục sấy. Lặp lại các bước cho tới khi vải khô. Sấy khoảng 4 tiếng là mẻ vải đã xong và bạn có thể thưởng thức ngay.

Làm vải sấy khô bằng nồi chiến không dầu

Yêu cầu thành phẩm vải sau khi sấy và cách bảo quản

Vải sấy khô đạt yêu cầu là vải khô, lắc nghe tiếng lọc cọc và cùi vải có màu nâu cánh gián đẹp mắt. Nếu cùi vải có màu đen là vải bị sấy quá. Còn nếu cùi vải màu nâu nhạt thì vải này chưa được sấy khô hoàn toàn, nếu bảo quản thì chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn.

Vải sấy khô có hương vị đặc trưng, mùi thơm, vị ngọt đậm, ăn dẻo và mềm, dễ ăn.

Hướng dẫn cách bảo quản trái vải sấy khô được lâu

Vải sau khi sấy xong thì bạn cần để vải nguội hoàn toàn mới đem cất vào túi ni lông hoặc hộp. Bạn lưu ý không nên bảo quản khi vải còn nóng vì lúc này vải sẽ dễ bị hấp hơi, nhanh hỏng.

Đem túi vải hoặc hộp cất ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau khoảng 2 – 3 tháng thì bạn có thể mang vải ra phơi thêm lần nữa rồi lại đóng gói. Với cách bảo quản này, vải thiều sấy khô có thể sử dụng từ 6 tháng tới 1 năm.

Trên đây là thông tin chi tiết về các cách làm vải thiều sấy khô dễ thực hiện. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm kiến thức hữu ích để tự tay chế biến vải thiều sấy khô cho gia đình. Chúc các bạn thành công.

Nguồn: lucngan.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *