Thời điểm hiện tại, các địa phương đang vào chính vụ thụ hoạch vải thiểu. Những địa phương trồng vải thiểu sớm đã thu hoạch xong. Sau một mùa thu hoạch thì đây là lúc bà con nông dân cần chú ý chăm sóc đúng cách để giúp cây phục hồi nhanh, phát triển tốt cho vụ sau. Vậy chăm sóc cây vải sau thu hoạch như thế nào là đúng? Xem ngay bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết nhé!
Cách chăm sóc cây vải sau thu hoạch đúng
Khí hậu miền Bắc nước ta có sự phân mùa rõ rệt. Mùa Xuân tiết trời ấm và ẩm, mưa dầm. Mùa Hè và mùa Thu nắng và mưa nhiều, thậm chí còn có nhiễu bão gió. Mùa Đông thì trời thường rét và khô.
Các loại cây ăn quả miền Bắc thường sẽ ra hoa vào vụ Xuân, thu hoạch rải rác từ hè tới đầu Xuân. Sau thu hoạch cây cần phải được hồi sức trước khi bước vào vụ sản xuất mới.
Để vụ mùa sau bội thu thì nhà vườn cần chú ý đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản là vừa giúp cây hồi phục dinh dưỡng sau thi hoạch, đồng thời vừa đảm bảo cho cây được nghỉ Đông để vụ Xuân tới ra hoa nuôi quả.
Ngay sau khi thu hoạch vải thì bà con cần tiến hành chăm sóc cây. Dưới đây là những bước cần làm để cây vải có thể sai hoa vào mùa sau:
Bước 1: Tỉa cành, tạo tán
Sau khi thu hoạch thì cành lá cây vải thường lởm chởm. Lúc này bà con cần phải dùng kéo để cắt cành hoặc dùng dao phát để tỉa đi những cành tăm, cành vượt tán, cành bị ớm (là cành không có điều kiện cho quả).
Tùy theo độ cao của cây mà bà con có thể hạ thấp những cành ở trên ngọn xuống cho tiện quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch quả vào mùa sau.
Tỉa cành, tạo tán cần được thực hiện ngay sau khi thu hoạch để có thể tạo tán cho cây theo hình mâm xôi hoặc là hình chiếc bánh dầy nhằm chuẩn bị cho việc đón đợt lộc đầu tiên.
Lưu ý sau khi tỉa xong thì cây cần phải bảo đảm được độ thoáng giữa các cành để hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.
Bước 2: Vệ sinh vườn
Cùng với việc tỉa cành thì bà con cần phải dọn rác dưới gốc vải. Ở bước này, bà con dùng chổi hoặc là cào để dọn sạch những cành và lá vải rụng dưới gốc sau đó thu gom vào trong góc vườn và đốt đi. Cách làm này sẽ giúp hạn chế được sâu bệnh phát triển.
Ngoài ra người trồng cũng cần chú ý tạo lại các rãnh thoát nước trong vườn vải để bảo đảm độ dốc.
Bước 3: Bón phân cho cây vải
Để quả phát triển thì cây đã mất đi một lượng dinh dưỡng khá cao. Vì thế nên sau khi thu hoạch vải cần phải tiến hành bón phân cho cây để bù đắp lượng dinh dưỡng đã mất đi, tạo điều kiện cho cây sinh trường và phát triển tốt nhất (ra được 3 đợt lộc tính từ lúc thu hoạch tới khi ra hoa).
Quy trình bón phân chuẩn là trước khi bón, bà con cần tạo rãnh xung quanh tán cây. Quy cách tạo rãnh chuẩn là rãnh rộng từ 20 – 30 cm, sâu khoảng 15 cm. Khi đã tạo rãnh xong, rắc phân vào rãnh và lấp rãnh lại.
Những loại phân nên chọn là các loại phân NPK có hàm lượng đạm cao hoặc phân đơn đạm – lân – kali. Lưu ý hàm lượng phân đạm bón cho cây ở thời kỳ này bằng 50% tổng lượng đạm bón trong suốt quá trình chăm sóc cây. Tương tự lượng kali bằng 13% và lượng phân lân bằng 20%.
Lượng phân bón sẽ tùy thuộc theo độ tuổi của cây vải. Bên cạnh phân hóa học thì bà con có thể sử dụng phân chuồng đã qua xử lý bằng chế phẩm sinh học như ủ mục để bón cho cây vải nhằm giúp cho đất tơi xốp và cây phát triển hơn.
Bước 4: Phòng trừ sâu bệnh
Sau khi đã tỉa cành, tạo tán và bón phân thì 1 thời gian ngắn sau cây vải sẽ ra đợt lộc đầu tiên. Thời điểm cây ra lộc này thì người trồng cần phải thường xuyên theo dõi vườn vải để sớm phát hiện ra các loại sâu bệnh gây hại.
Những mốc thời gian cần lưu ý khi chăm sóc vải sau thu hoạch
Vào mùa hè, 40-50 ngày sau khi thu hoạch
Đây là thời điểm cây vải sẽ ra đợt lộc đầu tiên. Trong giai đoạn này thì người trồng cần phải kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện xem cây có bị sâu đục thân, cành hay sâu ăn lá không. Nếu có thì cần phải tiến hành phun thuốc để diệt sâu, bảo vệ cây.
Ngoài ra cần phải chú ý bón bổ sung phân đạm, lân, kali để cây sinh trưởng phát triển tốt. Với những cây sinh trưởng yếu, màu lá hơi vàng hoặc bật lộc muộn thì càng cần phải chăm sóc kỹ. Bà con có thể hòa loãng phân và tưới vào trong các tán cây khi trời mưa ẩm đất hoặc là rắc phân rồi bơm nước để tan phân.
Thời điểm từ đầu tháng 9 tới hết tháng 10
Đây là giai đoạn ảnh hưởng tới việc phát triển hoa, quả của cây vải trong vụ tới. Vì thế để cây đạt năng suất cao thì đợt lộc cuối cùng phải nhú trước 31/10, đợt lộc thu phải nhú trước ngày 15/9.
Với những cây vải trẻ, phát triển tốt, nếu sau 15/9 mới chớm lộc thu và có khả năng ra đợt lộc cuối thì cần bón thúc thêm phân để bộ lá của cây sớm thành thục, kịp ra đợt lộc cuối trong tháng 10.
Còn với những cây trung tuổi, sức sinh trưởng đã hạn chế hoặc là những cây trẻ nhưng phát triển kém, có đợt lộc cuối cùng ra cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 thì người trồng nên tưới đạm loãng để bản lá được to, rộng, lá dày, màu xanh đậm. Nên tránh bón sâu hoặc bón qua nhiều dẫn tới việc cây ra lộc đông.
Ở giai đoạn này thì người trồng cũng cần phải phòng trừ nhện lông nhung hại vải. Trước khi nhú đợt lộc cuối thu phải diệt trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như Pegasus 500ND, Ortus 3SC, Regent 800 WP…
Khi lộc đã phát dài hết thì cần kiểm tra và ngắt bỏ ngay những đoạn mầm lộc đã bị nhện lông nhung làm xoăn lá.
Trên đây là những chia sẻ về cách chăm sóc cây vải sau thu hoạch đúng cách cho mùa sau bội thu. Chúc bà con thành công.
Nguồn: lucngan.net
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết