Vải thiều là loại trái cây nhiệt đới được nhiều người yêu thích. Mùa vải thiều chín kéo dài từ trung tuần tháng 5 tới đầu tháng 7. Để có thể giữ vải được lâu thì khi người ta sẽ tiến hành chế biến vải thiều tươi theo những cách khác nhau. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn các cách chế biến vải thiều tươi để được lâu, dễ thực hiện.
3 cách chế biến vải thiều tươi
Cách làm vải ngâm đường
Làm vải ngâm đường là một trong những cách chế biến vải thiều tươi quen thuộc của chị em khi tới mùa vải chín. Cái vị ngọt mát, miếng vải trắng giòn sẽ làm mê mẩn bất cứ ai khi thưởng thức.
Để làm vải ngâm đường thì nguyên liêu cần có:
- Vải: 2kg
- Đường phèn: 600-700g
- Muối tinh
- Nước: 1 lít
Để vải ngâm đường ngon thì khi mua vải các bạn cần chú ý lựa chọn những quả vải nhỏ, vỏ nhẵn, vỏ màu hồng đỏ tươi, cùi dày, hạt nhỏ. Nhớ chọn những chùm vải mà cành và lá vẫn còn tươi, phần cuống vải không có các chấm đen hay bị sâu đầu.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế vải
Vải mua về đem cắt bỏ cuống rồi rửa sạch. Pha một ít muối vào chậu nước rồi ngâm vải trong khoảng 15 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước.
Tiếp theo bạn chuẩn bị một nồi nước sôi, vặn nhỏ lửa rồi thả vải vào luộc qua trong khoảng 2 – 3 phút rồi vớt ra cho ngay vào bát nước đá lạnh. Lưu ý đừng để vải quá lâu sẽ khiến cùi vải bị nhũn.
Tiếp theo bóc vỏ rồi tách bỏ hạt vải. Để vải đẹp mắt thì bạn dùng kéo cắt xung quanh phần đầu cuống rồi khéo léo tách hạt vải ra khỏi cùi. Nếu không cần đẹp mắt thì bạn có thể bóc đôi quả vải ra rồi lấy hạt là được. Vải bóc tới đâu thì hãy ngâm vào bát đá lạnh ngay để vải không bị thâm và cùi sẽ được giòn hơn.
Sau khi làm lần lượt đến hết chỗ vải chuẩn bị thì vớt vải ra để thật ráo nước.
Bước 2:
Bước này các bạn hãy cho đường phèn, nước và khoảng nửa thìa cà phê muối tinh vào nồi rồi khuấy cho đều. Tiếp theo đặt nồi lên bếp rồi đun sôi để đường tan hết. Khi đường đã tan thì cho vải đã sơ chế vào đảo đều rồi đun khoảng 3 phút là được.
Bước 3:
Chuẩn bị một hũ thủy tinh sạch rồi đổ nước sôi vào tiệt trùng, sau đó để thật ráo. Vớt phần cùi vải ở trong nồi xếp vào hũ thủy tinh. Phần nước ngâm để thật nguội rồi mới đổ vảo hũ, sau đó đậy nắp kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách chế biến vải thiều tươi – vải trữ đông
Vải trữ đông là cách chế biến vải thiều tươi đơn giản được nhiều chị em áp dụng thành công. Tuy vải trữ đông không giữ được hết hương vị như vải tươi mới hái nhưng cách này vẫn được nhiều người ưa chuộng để có thể được ăn vải quanh năm.
Nguyên liệu để làm vải trữ đông gồm có:
- Vải tươi: tùy khối lượng bạn muốn
- Giấy báo
- Hộp nhựa hoặc túi zip
Cách thực hiện:
Vải mua về thì bạn cắt rời từng quả rồi để ráo nước. Đối với cách chế biến này thì bạn tuyệt đối không đem rửa vải mà nên để nguyên như khi mới hái xuống sẽ giúp giữ được hương vị của vải.
Tiếp theo bạn dùng giấy báo bọc nhiều lớp bên ngoài quả vải rồi xếp chúng vào trong hộp nhựa hoặc túi zip. Thực hiện lần lượt cho tới khi hết số vải đã chuẩn bị rồi để vải trong ngăn đông. Khi ăn bạn chỉ cần lấy vải ra, rã đồng là thưởng thức ngay quả vải tươi thơm ngon.
Cách chế biến vải tươi – làm vải sấy khô
Vải sấy khô là cách có thể bảo quản vải được quanh năm. Với nhiều người thì vải sấy khô là món ăn vặt lạ miệng, hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Ngoài ra vải sấy khô còn được sử dụng để nấu cháo, làm các món ăn hay ngâm rượu đều vô cùng tốt cho sức khỏe.
Có nhiều cách để làm vải sấy khô thì phơi nắng, sử dụng lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu. Mỗi cách đều khá dễ thực hiện mà bạn có thể tự làm đơn giản ngay tại nhà.
Đầu tiên vải khi mua về thì bạn cắt rời từng quả, giữ lại chút phần cuống rồi đem rửa sạch với nước muối loãng. Tiếp theo bạn đun sôi nước và cho vải vào luộc trong khoảng 3 phút rồi vớt ra để ráo.
Nếu sấy khô bằng ánh sáng mặt trời thì bạn xếp vải ra khay hoặc mâm rồi đặt ở chỗ nhiều nắng, cao ráo. Khi phơi chú ý đảo đều để vải được khô đều. Phơi liên tục trong khoảng 10 ngày là được.
Với lò nướng, lò vi sóng hay nồi chiên không dầu thì bạn xếp vải vào khay và đặt trong lò nướng hoặc đặt trực tiếp nếu là nồi chiên không dầu. Điều chỉnh nhiệt độ 140 độ trong khoảng 20 phút. Hết thời gian bạn lấy vải ra rồi đảo đều và lại cho vào lò. Lặp lại các bước cho tới khi thấy cùi vải khô lại, chuyển sang màu nâu đậm.
Vải sấy khô có thể bảo quản được khoảng 1 năm. Khi bạn sấy xong thì chờ cho vải thật nguội rồi cho vào túi nilon buộc kín là được.
Trên đây là cách chế biến vải tươi. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có kiến thức hữu ích để có thể chế biến vải tươi ăn quanh năm. Chúc các bạn thành công.
Nguồn: lucngan.net
Tin cùng chuyên mục:
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa
Cách nhận biết mật ong rừng nguyên chất
Lục Ngạn phát triển hạ tầng, nâng tầm kinh tế
Cam Bắc Giang được mùa được giá ngày cận Tết